Công trình tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu là sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng NinhNgày 07 tháng 11 năm 2016, Lúc 13:20

Sáng 5/11, tại TP Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam đã long trọng tổ chức Lễ khánh thành công trinh tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu mỏ Quảng Ninh. Phát biểu tại lễ khánh thành, đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh khẳng định: Công trình tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu thể hiện sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đối với những đóng góp của đồng chí và các thế hệ cách mạng đã hy sinh cả cuộc đời mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự phồn vinh của dân tộc. Báo Quảng Ninh trân trọng giới thiệu bài phát biểu của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy. 

 

 

Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu ủy Quảng Ninh.
Tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu, Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của Khu ủy Quảng Ninh.

Đồng chí Vũ Văn Hiếu sinh ngày 20/3/1907 tại huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định. Tuổi thanh niên, Vũ Văn Hiếu sang Hải Phòng vừa học, vừa làm. Tại đây, đồng chí được tiếp xúc với những người có tư tưởng tiến bộ như Lương Khánh Thiện, Hoàng Quốc Việt, Lưu Bá Kỳ, Nguyễn Khắc Khang. Đầu năm 1928, đồng chí Vũ Văn Hiếu ra mỏ than Hà Tu làm phu đầm trục, phu gạt đường. Tháng 11/1929, đồng chí Vũ Văn Hiếu chính thức trở thành người đảng viên cộng sản, sinh hoạt tại Chi bộ Hòn Gai và được giao nhiệm vụ xây dựng cơ sở ở Hà Tu - Núi Béo. Tháng 4/1930, sau khi Đảng ủy mỏ Hòn Gai - Cẩm Phả được thành lập, đồng chí Vũ Văn Hiếu được bầu làm Bí thư, tiếp tục chỉ đạo hoạt động đấu tranh cách mạng. Cuối tháng 10/1930, Đảng bộ Đặc khu ủy mỏ Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả được thành lập, đồng chí Vũ Văn Hiếu được chỉ định làm Bí thư và trở thành người Bí thư Đặc khu ủy đầu tiên của khu mỏ Quảng Ninh.

Trong quá trình tham gia hoạt động cách mạng của mình, đồng chí Vũ Văn Hiếu đã hai lần bị thực dân Pháp bắt giữ, kết án và giam cầm tại nhà tù Côn Đảo. Mặc dù bị tra tấn bằng nhiều ngón đòn hiểm ác nhưng đồng chí Vũ Văn Hiếu vẫn nêu cao tinh thần cách mạng, giữ vững khí tiết của người cộng sản và anh dũng hy sinh vào đầu năm 1942 tại nhà tù Côn Đảo khi mới 36 tuổi, dâng hiến trọn đời cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc đã trở thành biểu tượng sống vì Đảng, chết cũng không rời Đảng.

Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh phát biểu tại buổi lễ
Đồng chí Nguyễn Văn Đọc, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh: Công trình tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu là thể hiện sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Quảng Ninh

Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Ninh luôn ghi nhớ và biết ơn với những cống hiến, đóng góp to lớn của đồng chí Vũ Văn Hiếu và các bậc tiền bối đối với sự nghiệp cách mạng. Thể theo nguyện vọng của cán bộ, đảng viên và công nhân lao động các thế hệ tỉnh Quảng Ninh, năm 1990, tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu đã được xây dựng tại phường Hà Tu. Sau khi mở rộng Quốc lộ 18, tượng đài đồng chí được di chuyển và đặt tại khuôn viên Nhà văn hóa công nhân Công ty Cổ phần than Hà Tu, nơi đồng chí trực tiếp làm phu mỏ trong phong trào vô sản hóa. Với việc sớm xây dựng tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu thể hiện sự tri ân và lòng biết ơn sâu sắc của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đối với những đóng góp của đồng chí và các thế hệ cách mạng đã hy sinh cả cuộc đời mình vì nền độc lập tự do của Tổ quốc, vì sự phồn vinh của dân tộc. Suốt thời gian qua, tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu tại khuôn viên Nhà văn hóa công nhân Công ty Cổ phần than Hà Tu đã phát huy giá trị trong việc rèn luyện, bồi dưỡng, giáo dục truyền thống cách mạng đối với các thế hệ cán bộ lãnh đạo và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh. 

Trong tổng thể các hoạt động chào mừng kỷ niệm 80 năm ngày truyền thống công nhân vùng Mỏ - truyền thống ngành Than (12/11/1936 - 12/11/2016), để tri ân các thế hệ tiền bối cách mạng, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh đã quyết định xây dựng tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu tại trung tâm thành phố Hạ Long. Với chất liệu bằng đồng, đế sâu bằng đá xanh vĩnh cửu kinh phí do Tập đoàn Công nghiệp Than- Khoáng sản Việt Nam đầu tư, tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu đặt tại đây thuộc trung tâm quần thể công viên hoa Lán Bè, đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ, Cung Văn hóa thiếu nhi tỉnh, nằm trong khối các công trình văn hóa du lịch từ di tích lịch sử bến phà Bãi Cháy anh hùng, núi Bài thơ, Bảo tàng, Thư viện tỉnh, Cung quy hoạch, triển lãm tỉnh… tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân và du khách thăm viếng và là nơi vui chơi giải trí hàng ngày của các tầng lớp nhân dân. 

Công trình tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu được xây dựng mới không chỉ có ý nghĩa giáo dục đối với thế hệ trẻ mà còn là nơi tiếp lửa truyền thống cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm”, xây dựng Quảng Ninh đến năm 2020 trở thành tỉnh có cơ cấu kinh tế dịch vụ, công nghiệp; là trung tâm du lịch chất lượng cao của khu vực, một trong những cực tăng trưởng kinh tế của miền Bắc với hạ tầng kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm nghèo bền vững… theo như mục tiêu mà Nghị quyết đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đã đề ra. 

Đặc biệt, tượng đài đồng chí Vũ Văn Hiếu đã làm sống động lại hình ảnh người chiến sĩ cách mạng suốt đời hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Hình ảnh đồng chí cởi chiếc áo của mình đang mặc trước khi hy sinh cho đồng chí Lê Duẩn thể hiện sự tin tưởng trao gửi sự nghiệp để đồng đội tiếp nối con đường cách mạng là hình ảnh vô cùng cao đẹp của những người chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Ghi nhận những công lao to lớn của đồng chí Liệt sĩ Vũ Văn Hiếu, năm 2015 Chủ tịch nước đã quyết định truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí. Việc khánh thành tượng đài đồng chi Vũ Văn Hiếu trong giai đoạn hiện nay còn ý nghĩa hơn khi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta tiếp tục thực hiện việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”, góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; chú trọng chỉnh đốn tác phong công tác của cán bộ, khắc phục, ngăn ngừa bệnh thành tích, hình thức, phô trương, xây dựng hình ảnh người cán bộ, đảng viên gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân, giản dị, khiêm tốn, tận tuỵ, trung thực và liêm khiết; đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu. 

Kính thưa anh linh đồng chí Vũ Văn Hiếu!

Thế hệ chúng tôi đang sống và làm việc trên đất Mỏ anh hùng, đứng trước anh linh đồng chí cùng nhau ôn lại những truyền thống quý báu của quê hương vùng Mỏ, của giai cấp công nhân ngành Than cũng như về thân thế, sự nghiệp và những thành tựu, đóng góp của đồng chí. Thay mặt cho tập thể lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và ngành Than Việt Nam, đông đảo công nhân ngành Than và nhân dân vùng Mỏ, một lần nữa chúng tôi xin thành kính tri ân trước tượng đài đồng chí. Xin nguyên bước tiếp con đường mà đồng chí và các bậc cách mạng tiền bối của dân tộc đã mở ra, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách, xây dựng tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu mạnh, xứng đáng với sự hy sinh cao cả của đồng chí và các bậc cách mạng tiền bối. Như mong muốn của Bác Hồ “Đẩy mạnh ngành Than trở thành một ngành gương mẫu cho các ngành kinh tế khác noi theo; vừa mong muốn Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp.

                                                                                                                                                                        Theo Báo Quảng Ninh