Đồng chí Hoàng Quốc Việt: Từ người thợ mỏ đến nhà cách mạng tiền bốiNgày 07 tháng 11 năm 2016, Lúc 13:26

Ngay từ những ngày cách mạng nước ta còn trong trứng nước, đồng chí Hoàng Quốc Việt đã đến với phong trào công nhân để vô sản hoá và đã trở thành một trong những người thuộc thế hệ công nhân cách mạng đầu tiên của giai cấp công nhân Việt Nam.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt và chiếc máy tiện được đồng chí sử dụng khi làm việc tại mỏ Mạo Khê.
Đồng chí Hoàng Quốc Việt và chiếc máy tiện được đồng chí sử dụng khi làm việc tại mỏ Mạo Khê.

Đồng chí Hoàng Quốc Việt tên thật là Hạ Bá Cang, sinh ngày 28-5-1905, tại Đáp Cầu, huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh (nay là phường Đáp Cầu, TP Bắc Ninh). Ngay từ năm 1925, khi mới 20 tuổi đồng chí đã tham gia cách mạng, cùng hoạt động với các đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, Ngô Gia Tự. Khi đang học năm thứ ba Trường Kỹ nghệ Thực hành ở Hải Phòng, đồng chí Hạ Bá Cang đã tham gia phong trào bãi khoá và biểu tình phản đối chính quyền thực dân kết án tử hình nhà yêu nước Phan Bội Châu. Bị đuổi học vì tham gia bãi khoá, khoảng giữa năm 1925, đồng chí về Đông Triều làm thợ nguội ở mỏ Mạo Khê.

Trong thời gian làm thợ này, cuộc sống cơ cực của người công nhân mỏ xứ thuộc địa đã giúp đồng chí Hạ Bá Cang sớm hình thành ý thức đấu tranh chống áp bức, bất công. Trải nghiệm bằng chính cuộc sống bản thân, tiếp cận với những thông tin hàng ngày về các phong trào chính trị và yêu nước, đồng chí đã có cơ hội đúc rút kinh nghiệm quý báu từ thực tiễn và dễ dàng truyền bá lý tưởng cách mạng cho đồng nghiệp. Trong cuốn sách “Những chặng đường nóng bỏng” (NXB Lao động, 1985) đồng chí Hoàng Quốc Việt viết: “Ra mỏ không chỉ trốn thoát sự truy nã của mật thám, cảnh sát, không chỉ để kiếm việc làm mà còn mang theo tinh thần, phương pháp đấu tranh truyền bá vào công nhân mỏ”.

Trong sách “Những ngày ở mỏ” (Ty Văn hoá - Thông tin Quảng Ninh xuất bản năm 1971) ông Đinh Tiến Toán, đồng nghiệp với đồng chí Hạ Bá Cang kể, vừa lao động để kiếm sống, đồng chí Hạ Bá Cang vừa tranh thủ tuyên truyền giác ngộ công nhân qua những tâm sự về thời cuộc, về những tấm gương của những nhà yêu nước cách mạng tiền bối, về Cách mạng Tháng Mười Nga để anh em thợ mỏ có cảm tình với cách mạng. Địa điểm nói chuyện cách mạng là vườn mía, suối ở dưới chân núi Móng Chim.

Đồng chí còn lập ra hội đá bóng và quỹ tương tế để anh em công nhân giúp đỡ nhau về vật chất và tinh thần, thu hút và gắn kết lại đồng thời che mắt được sự dòm ngó của mật thám. Quỹ tương tế thực chất là một hội chơi họ được lấy tên là “Tiên Long thương đoàn” đến năm 1927 đã có hơn 100 hội viên. Đây là tổ chức quần chúng cách mạng đầu tiên của đội ngũ công nhân ở khu mỏ. Tuy tổ chức chưa thật chặt chẽ nhưng nó là tiền đề quan trọng cho một tổ chức cách mạng lớn hơn, sau này chính là Hội Ái hữu và Công hội Đỏ. Đồng chí Hạ Bá Cang là người có công rất lớn trong việc sáng lập xây dựng tổ chức này.

Năm 1927, trên cơ sở huy động lực lượng từ các tổ chức nói trên, đồng chí Hạ Bá Cang lãnh đạo khoảng 100 công nhân mỏ bãi công. Cuộc bãi công kéo dài 1 tuần thì thất bại vì diễn ra tự phát, không được chuẩn bị kỹ. Tuy nhiên, nó cũng đã để lại bài học kinh nghiệm vô cùng quý giá cho phong trào công nhân, đồng thời làm cho bọn cai ký, chủ mỏ phải dè chừng mà bớt hà khắc, đánh đập công nhân mỏ.

Năm 1928, đồng chí Hoàng Quốc Việt tham gia Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Năm 1929, đồng chí được tổ chức cử vào Nam Kỳ hoạt động cách mạng bí mật. Năm 1930, trên đường ra Bắc họp hội nghị thực hiện việc hợp nhất các tổ chức Đảng, đồng chí Hoàng Quốc Việt bị Pháp bắt và xử tù chung thân cùng với các đồng chí Nguyễn Văn Cừ, Lê Duẩn, Phạm Văn Đồng...

Năm 1936, khi vừa được trả tự do, đồng chí Hoàng Quốc Việt trở về hoạt động cách mạng ở Hà Nội, ông cùng một số đồng chí của mình khôi phục tổ chức Đảng và các tổ chức cách mạng ở Bắc Kỳ, phát động đấu tranh đòi các quyền tự do dân chủ. Năm 1937, đồng chí Hoàng Quốc Việt được bầu là Bí thư Xứ uỷ Bắc kỳ của Đảng cộng sản Đông Dương. Tháng 9-1937, tại Hội nghị Trung ương họp ở Bà Điểm (Hoóc Môn, Gia Định) đồng chí được bầu bổ sung vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Liên tục trong khoảng 50 năm, đồng chí Hoàng Quốc Việt đều tham gia Ban Chấp hành Trung ương của Đảng, từng giữ các chức vụ quan trọng như: Bí thư Tổng bộ Việt Minh, Bí thư Xứ uỷ Bắc Kỳ, Chủ tịch Tổng Công đoàn Việt Nam, Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Năm 1992, đồng chí Hoàng Quốc Việt qua đời tại Hà Nội. Ở Quảng Ninh hiện nay, tên của đồng chí Hoàng Quốc Việt được đặt cho một trường THPT tại TX Đông Triều, 1 con đường ở TP Hạ Long và 1 con đường tại TP Cẩm Phả. Sự trưởng thành, phát triển của đồng chí Hoàng Quốc Việt từ một người thợ mỏ đến một nhà cách mạng luôn gắn liền với sự phát triển lớn mạnh của phong trào công nhân. Tuy thời gian đồng chí hoạt động ở Quảng Ninh không dài nhưng dấu ấn để lại với phong trào công nhân là rất rõ nét.

                                                                                                                                                        Theo Báo Quảng Ninh (Huỳnh Đăng)