Trạm y tế dưới lòng đấtNgày 11 tháng 05 năm 2017, Lúc 14:36

Nhiều năm qua, ở Công ty Than Hòn Gai, ngoài việc xây dựng các trạm y tế trên mặt bằng khai thác, Công ty còn đưa trạm y tế phục vụ ngay dưới hầm lò. Trạm Y tế ở khu khai thác Thành Công nằm ở độ sâu -220m so với mực nước biển là một trong những trạm y tế đặc biệt như thế.

Trạm Y tế khu khai thác Thành Công ở độ sâu -220m so với mực nước biển của Công ty Than Hòn Gai.

Trạm Y tế khu khai thác Thành Công ở độ sâu -220m so với mực nước biển

của Công ty Than Hòn Gai.

Ông Phạm Văn Dũng, Phó Phòng Điều khiển sản xuất của Công ty, phụ trách khu Thành Công, cho biết: Khai thác than hầm lò là một trong những nghề nguy hiểm. Thời gian qua, các đơn vị ngành Than nói chung và Công ty Than Hòn Gai nói riêng đã không ngừng đầu tư trang thiết bị kỹ thuật tiên tiến vào khai thác nhằm giảm thiểu rủi ro, tai nạn và tăng năng suất, sản lượng. Cùng với đó, công tác an toàn lao động được các đơn vị thực hiện nghiêm ngặt, từ khâu đào tạo tập huấn và bố trí ở tổ, đội sản xuất có cán bộ phụ trách an toàn. Tuy nhiên thực tế trong hoạt động khai thác than hầm lò luôn ẩn chứa tai nạn rủi ro. Dù tai nạn xảy ra do lỗi chủ quan hay khách quan nhưng công tác khắc phục, đặc biệt sơ cấp cứu ban đầu cho nạn nhân là khâu quan trọng nhất để khống chế, cố định, cầm máu vết thương đảm bảo hiệu quả cứu chữa về sau.

Hiện nay, các khu vực khai thác của Công ty ngày càng xa, nơi xa nhất cách lò chính khoảng 2km. Khi gặp sự cố do ốm đau, đặc biệt tai nạn lao động việc sơ cấp cứu ban đầu gặp nhiều khó khăn, phải đưa nạn nhân lên mặt bằng mới thực hiện được. Các ca chấn thương nặng phải di chuyển nạn nhân trong lò chật hẹp sẽ làm ảnh hưởng tới công tác cấp cứu, thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng của công nhân. Với lý do trên, đầu năm 2015, Công ty đã triển khai trạm y tế đặt trực tiếp dưới lò để thợ lò đến khám, cấp thuốc, nghỉ ngơi khi ốm đau và sơ cấp cứu khi có tai nạn. Trạm y tế có diện tích khoảng 40m2, được trang bị đầy đủ thiết bị y tế, như: Giường bệnh nhân, tủ đựng thuốc, máy đo huyết áp, cáng bệnh nhân... Đang trong kíp trực, y sĩ Đặng Thái Sơn, chia sẻ: Trạm có 3 y sĩ, mỗi người phụ trách một ca đảm bảo hoạt động 24/24 giờ phục vụ thợ lò. Trung bình mỗi ngày có từ 2-3 thợ lò đến trạm thăm khám với đủ chứng bệnh, như: Đau đầu, huyết áp tăng, đi ngoài, sây sát chân tay... Các trường hợp trên, chúng tôi đều tiến hành khám kỹ càng, trường hợp nhẹ thì cấp thuốc uống nghỉ ngơi một lúc có thể làm việc, còn nặng không đảm bảo sức khoẻ sẽ yêu cầu lao động nghỉ làm, chuyển lên trên.

Quản đốc Phân xưởng Khai thác 5, khu Thành Công, Khúc Ngọc Duy cho biết: Trước kia, nhiều công nhân bị đau bụng hoặc sây sát nhẹ thường chịu đau làm việc đến hết ca. Còn hiện nay có trạm y tế đặt trực tiếp dưới lò, thợ lò đến lấy thuốc uống hoặc nằm nghỉ ngơi, bình phục ổn định lại tiếp tục làm việc nên thuận lợi rất nhiều. Đây là một cách làm hay có thể nhân rộng trong các đơn vị ngành Than.

                                                                                                                  Theo Dương Trường ( Báo Quảng Ninh)